Bí quyết chăm sóc móng tay dễ gãy ở tại nhà
Nên rửa tay bằng nước cốt chanh pha loãng hoặc nước muối pha loãng để bảo vệ móng.
Bình thường móng tay, móng chân mọc liên tục suốt đời, mỗi tháng dài ra từ 3 đến 5mm. Móng tay mọc nhanh hơn gấp hai đến ba lần móng chân. Móng thay đổi và tổn thương khi cơ thể mắc một số bệnh như: Có vết trắng trên móng là do thiếu kẽm, bệnh gan hoặc bệnh thận…
Còn móng tay giòn có thể do: Thiếu chất sắt, bị bệnh Raynaud, tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa, chất sơn móng tay, bệnh nấm móng. Tùy theo điều kiện sinh hoạt của bạn để tìm ra cách khắc phục tình trạng móng dễ gãy.
Bên cạnh đó, những cách dưới đây sẽ hạn chế được móng tay giòn và nuôi dưỡng móng ngày càng chắc khỏe hơn.
Thay đổi thực đơn
Chế độ ăn uống ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sức khỏe của móng tay. Các chuyên gia dinh dưỡng đã nhận định rằng thiếu hụt biotin là một trong những nguyên nhân khiến cho móng tay của bạn dễ gãy. Chính vì vậy, bổ sung những loại thực phẩm giàu biotin như cá hồi, đậu phộng hoặc súp lơ và đặc biệt là chuối là một thói quen nên làm hàng ngày.
Ngoài ra người mắc chứng móng tay giòn cũng nên bổ sung protein và lưu huỳnh. Như thịt gà chứa nhiều protein và ít chất béo và lòng đỏ trứng gà rất giàu lưu hùynh, khoáng chất giúp cân bằng axít kiềm trong cơ thể.
Nếu không thể thay đổi thực đơn bạn có thể bổ sung dưỡng chất cần thiết bằng vitamin tổng hợp.
Hạn chế tiếp xúc hóa chất
Tiếp xúc với hóa chất mạnh hoặc các hóa chất tẩy rửa có trong xà phòng, nước rửa vệ sinh… làm cho lớp sừng ở móng tay bị ăn mòn và khiến cho móng tay bị mềm, yếu, dễ gãy.
Để khắc phục móng tay gãy do tác dụng của hóa chất nên dùng găng tay khi làm việc nhà bắt buộc phải dùng chất tẩy rửa. Sau đó rửa tay sạch với nước muối loãng và dùng kem dưỡng da tay ngay sau khi công việc hoàn thành.
Không dùng nước rửa acetone
Khi nước tẩy rửa sơn móng tay acetone làm bong lớp sơn móng tay sẽ mang theo lớp sừng tự nhiên trên móng. Khiến móng có hiện tượng đục màu, không giữ được độ bóng vốn có. Càng dùng nhiều acetone, bạn sẽ càng thấy móng tay yếu và dễ gãy hơn.
Nên hạn chế dùng sơn móng và tẩy móng bằng acetone hàng tuần. Nếu muốn thay đổi màu móng thường xuyên nên dùng loại sơn móng tay nhanh bay và thay đổi trong vòng hai tuần/lần.
Không để móng tay quá dài
Việc nuôi móng tay quá dài và cắt nhọn cũng là nguyên nhân khiến móng yếu và dễ bị gãy ngang hoặc lật ngược gây đau đớn. Với người móng tay giòn nên để dài quá đầu ngón tay khoảng 5mm, cắt móng tròn hoặc hơi vuông và không nên dùng giũa móng tay để bào mỏng móng.
Không rửa tay quá nhiều
Nếu bạn thường xuyên rửa tay hoặc ngâm tay lâu trong nước khiến cho tay bạn luôn trong tình trạng ướt, da ngón tay nhăn nheo thì móng tay cũng bị mềm đi, dễ gãy nếu không may có sự cố nào đó.
Người móng tay giòn nên giữ cho móng khô ráo và không nên dùng loại dung dịch rửa tay có chứa xút hay chất tẩy trắng. Nên rửa tay bằng nước cốt chanh pha loãng hoặc nước muối pha loãng để bảo vệ móng.
Ngâm móng trong dầu ô liu
Móng tay trở nên giòn khi gặp thời tiết khô hanh hoặc bị mất nước do thiếu dầu và tuyến mồ hôi làm việc không hiệu quả. Lúc này, việc làm ẩm cho móng tay là rất quan trọng.
Ngâm móng tay với dầu ô liu trước khi đi ngủ khoảng 10 phút, thực hiện 3 lần/tuần sẽ giúp cải thiện tình trạng gãy móng. Cách này không tốn kém mà giúp móng tay trở nên khỏe mạnh hơn.
Uống nhiều nước
Một nguyên nhân chính khiến móng tay giòn, yếu là do thiếu độ ẩm. Uống đủ 8 ly nước mỗi ngày sẽ giúp móng tay và da tay duy trì được độ ẩm cần thiết. Bên cạnh đó, người móng tay yếu nên thường xuyên sử dụng kem dưỡng da tay có các thành phần dưỡng ẩm tự nhiên như sữa bò, lô hội, đường đen.
Leave a Reply